THỐNG KÊ TRUY CẬP
Số người đang online: 21
Số lượt truy cập: 8415772
QUẢNG CÁO
DIỄN VĂN KỶ NIỆM 30 NĂM THÀNH LẬP TRƯỜNG PTDT NT LỆ THỦY (1992-2022) 12/5/2022 2:08:38 PM
Tiền thân của trường PTDT nội trú huyện Lệ Thủy là trường Thanh niên dân tộc huyện Lệ Thủy.


     Kính thưa quý vị đại biểu.

     Kính thưa các thế hệ CBQL, giáo viên, nhân viên và các thế hệ học sinh trường PTDT Nội trú.

     Hôm nay trong không khí tưng bừng phấn khởi của giáo giới cả nước, mừng kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, thầy và trò Trường PTDTNT huyện Lệ Thủy rộn rã cờ hoa, với thêm một niềm vui đặc biệt của Lễ kỷ niệm 30 năm thành lập trường (1992-2022).

    Lời đầu tiên, cho phép tôi thay mặt cán bộ - GV - NV nhà trường xin được nhiệt liệt chào đón và cảm ơn sự  hiện diện của quý vị đại biểu, các thế hệ nhà giáo, các thế hệ học sinh về tham dự buổi hội trường đầy ý nghĩa này.


image004.jpg

       Kính thưa quí vị đại biểu, kính thưa các thế hệ nhà giáo, các thế hệ học sinh.

   Trường PTDT Nội trú Lệ Thủy được thành lập vào tháng 7 năm 1992, đến nay đã qua 30 năm xây dựng và trưởng thành. Trong 30 năm qua, nhiều thế hệ thầy cô giáo và học sinh của nhà trường đã không ngừng phấn đấu, nỗ lực trong giảng dạy và học tập để giành nhiều thành tựu trong sự nghiệp “trồng người”. Từ mái trường này, nhiều thế hệ học sinh đã trưởng thành và khẳng định vai trò của mình trên nhiều lĩnh vực, góp phần không nhỏ vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo, cũng như sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vùng biên giới phía Tây huyện nhà.

   Hôm nay, được sự quan tâm chỉ đạo của Huyện ủy – UBND huyện, Trường PTDTNT huyện Lệ Thủy long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 30 năm thành lập, nhằm tạo cơ hội để các thế hệ cán bộ, giáo viên, học sinh trở về thăm trường, giao lưu gặp mặt; đáp ứng nguyện vọng, tăng cường sự kết nối, đoàn kết của các thế hệ cán bộ, giáo viên và học sinh. Qua đó nâng cao ý thức trách nhiệm, phát huy truyền thống, không ngừng phấn đấu dạy tốt, học tốt để đưa nhà trường tiếp tục phát triển trong giai đoạn mới. Với ý nghĩa đó, thay mặt Ban tổ chức, xin được tổng quát lại chặng đường 30 năm hình thành và phát triển của trường PTDTNT huyện Lệ Thủy.

        Kính thưa quí vị đại biểu, kính thưa các thế hệ nhà giáo, các thế hệ học sinh.

     Tiền thân của trường PTDT nội trú huyện Lệ Thủy là trường Thanh niên dân tộc huyện Lệ Thủy. Trước năm 1983 trường đóng tại địa điểm thôn Phú Cường thuộc xã Phú Thủy, thời điểm này trường chỉ có 2 lớp tiểu học ( lớp 1, lớp 2) với mục tiêu xóa mù chữ cho con em đồng bào dân tộc Bru vân kiều.

      Từ năm 1983 đến năm 1991 trường mang tên: Trường thanh niên dân tộc huyện Lệ Ninh, đến khi tách huyện Quảng Ninh – Lệ Thủy thì đổi tên thành trường thanh niên dân tộc huyện Lệ Thủy. Giai đoạn này trường đống tại thôn Cẩm Ly thuộc xã Ngân Thủy với quy mô 4 lớp tiểu học và khoảng 50 học sinh. Thầy hiệu trưởng thời kỳ này là Võ Đức Hạng. Mục tiêu giáo dục ở thời điểm này là vừa dạy bổ túc, dạy xóa mù và dạy theo chương trình GDPT hiện hành.

      Năm 1992 thực hiện Quyết định số 350/QĐ ngày 26/7/1992 của giám đốc Sở GD & ĐT Quảng Bình về thành lập Trường phổ thông DTNT huyện Lệ Thủy và chuyển từ thôn Cẩm Ly – xã ngân Thủy vào địa điểm là khuôn viên cũ của trường cấp 3 vừa học, vừa làm Mai Thủy thuộc thôn Mai Hạ - xã Mai Thủy - huyện Lệ Thủy cho đến nay. Với mục tiêu vừa dạy bổ túc vừa dạy theo chương trình GDPT hiện hành, để vừa nâng cao dân trí, vừa đào tạo cán bộ nguồn cho các xã đồng bào dân tộc Bru Vân kiều vùng phía Tây huyện Lệ Thủy.

     Thời gian đầu thành lập, năm 1992 do thầy giáo Hoàng Đình Tuấn làm Hiệu trưởng, toàn trường chỉ có 10 cán bộ, giáo viên và 03 cô nuôi; học sinh thì chỉ có  2 lớp tiểu học trong năm và hai lớp xóa mù trong hè với khoảng 40 em; cơ sở vật chất nhà trường vô cùng khó khăn, chỉ có 01 dãy nhà cấp 4 với 3 phòng; học sinh ăn, ở ngay trong phòng học, với điều kiện ăn ở còn thiếu thốn trăm bề; thầy cô phải về các bản, các xã để khảo sát, động viên gia đình học sinh đồng thuận cho các em đến trường. Đến năm 1994 mới triển khai xây dựng dãy phòng học, nhà nội trú, nhà ăn và khu vệ sinh độc lập, lứa lớp 5 đầu tiên được tuyển về học tại trường PTDTNT tỉnh. Cũng trong giai đoạn này quy mô lớp cũng phát triển theo từng năm, cho đến năm 1999 mới có khóa lớp 9 đầu tiên của trường hoàn thành tốt nghiệp THCS.

     Giai đoạn 1999 cho đến  năm 2010 do thầy giáo Võ Văn Kiều làm Hiệu trưởng, quy mô lớp học bắt đầu giảm dần của các lớp tiểu học. Đến năm 2002 trường chỉ còn giáo dục và nuôi dưỡng số học sinh bậc THCS.

      Giai đoạn 2010 đến nay, trải qua ba đời hiệu trưởng ( thầy Nguyễn Đăng Lực – thầy Võ Chương Đài – thầy Lê Văn Bình), quy mô trường gồm 5 lớp với tổng số học sinh không đổi là 150 em. Từ năm học 2018-2019 UBND huyện giao nhiệm vụ cho trường phối hợp với Trung tâm GD-DN Lệ Thủy đào tạo thêm 03 lớp bậc THPT hệ bổ túc với số lượng 120 học sinh để hoàn thành phổ cập THCS mức 3 cho các xã Kim – Ngân – Lâm theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIII. Giai đoạn này nhà trường phát triển vượt bậc và toàn diện về mọi mặt.

     Về cơ sở vật chất: Diện tích khu vực trường đóng: 11.000 m2; 06 phòng kiên cố, 5 phòng học bộ môn đạt chuẩn quy định, các phòng đều có màn hình tivi 52 inch phục vụ dạy và học; Nhà ăn học sinh có sức chứa 300 em, sạch sẽ, thoáng mát có khu nấu và khu chế biến riêng; Hai dãy nhà hai tầng làm khu nội trú, có 40 phòng dành cho  học sinh ăn ở tập trung, trong đó có 20 phòng có khu vệ sinh khép kín. Các công trình vệ sinh, nước sạch, khu vui chơi bãi tập đầy đủ thiết bị phụ trợ đảm bảo cho học sinh sinh hoạt vui chơi và giải trí.

    Về đội ngũ:  Toàn trường ổn định 32 đồng chí, trong đó có 3 cán bộ quản lý, 13 giáo viên trực tiếp đứng lớp; 16 nhân viên; 100% cán bộ, giáo viên của trường có trình độ đạt chuẩn (20% có trình độ thạc sĩ), 2 đồng chí giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, 8 đồng chí giáo viên dạy giỏi cấp huyện. Nhiều cán bộ quản lý, giáo viên được công nhận chiến sĩ thi đua cơ sở, chiến sĩ thi đua cấp tỉnh và Bằng khen của chủ tịch UBND tỉnh….Tiêu biểu như Thầy giáo Hoàng Đình Tuấn, Thầy giáo Võ Văn Kiều, thầy giáo Phạm Hữu Hỏ, thầy giáo Lê Thúc Vũ, thầy giáo Lê Anh Đạt, cô giáo Lê Thị Hải Lý…

      Về chất lượng đại trà: Tỷ lệ học sinh giỏi toàn diện luôn đạt 7-9%, học sinh tiên tiến khoảng 40-45% qua hằng năm. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS đạt từ 99-100%, tuyển sinh vào trường PTDT nội trú tỉnh đạt trên 60%; phân luồng nghề nghiệp sau TN THCS đạt trên 30%:

     Về chất lượng mũi nhọn: Trong những năm qua, chất lượng mũi nhọn của nhà trường luôn được đầu tư và quan tâm đặc biệt, trong kế hoạch chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ luôn xác định là nhiệm vụ trọng tâm và quan trọng nhất của mỗi năm học.

Từ năm 2011 đến nay:

  -Thi học sinh giỏi văn hóa cấp huyện: Có 15 lượt học sinh đạt học sinh giỏi văn hóa cấp huyện: trong đó có 03 giải ba môn Ngữ Văn và 12 giải khuyến khích các môn Văn – Anh – Địa - Sinh. Tiêu biểu như em  Hoàng Thị Phượng – xã Lâm Thủy, em Trần Thị Anh Thư xã Kim Thủy

  -Thi học sinh năng khiếu:

          + Cấp huyện có 87 giải, trong đó: giải nhất 14 giải, giải nhì 15 giải, giải ba 24 giải, khuyến khích 34 giải.

          + Cấp tỉnh: 15 huy chương, trong đó: 06 HCV, 03 HCB, 06 HCĐ

          + Cấp quốc gia có 03 em tham gia và đạt 01 giải khuyến khích

     Tiêu biểu có các em Hồ Thị Bướm ở Lâm Thủy, Hồ Thị Lan, Hồ Thị Cam – Hồ Thị Trâm ở Kim Thủy, em Nguyễn Thị Trang ở Ngân Thủy …đã dành nhiều tấm HCV về cho nhà trường

          + Đồng đội: có 3 cờ đồng đội nam và đồng đội nữ.

-          Thi KHKT dành cho học sinh:

+ Cấp huyện đạt 05 giải, trong đó 01 giải nhì, 02 giải ba và 02 giải KK

+ Cấp tỉnh đạt 02 giải ba.

    Tiêu biểu có em Hồ Văn Thành, Hồ Văn Thảo. Hồ Thị Quỳnh Châu ở Kim Thủy

-          Hội thi chỉ huy đội giỏi cấp huyện có em Hồ Thị Sâm ở bản Rum, Kim 2 đạt giải ba

-          Hội thi “Chúng em kể chuyện Bác Hồ” đạt 01 giải ba của em Hồ Thị Nguyệt ở bản Cửa Mẹc– Ngân Thủy.

-          Đặc biệt có em Hồ Văn Thảo ở bản Cây Bông, Kim Thủy là thành viên hội đồng trẻ em tỉnh QB, được vinh danh là thiếu niên dân tộc ưu tú toàn quốc và đạt giải thưởng cao quý  Kim Đồng. Em Hồ Thị Nhâm ở Hà Lẹc – Kim Thủy vinh dự là đại biểu cháu ngoan Bác Hồ toàn quốc tại Thủ đô Hà Nội.

     Về công tác chăm sóc nuôi dưỡng: Thực hiện nghiêm túc việc thực hiện chế độ chính sách đối với đội ngũ và học sinh, đặc biệt chế độ học bổng và đặc thù được nhà nước hỗ trợ: Thực hiện công khai minh bạch các khoản thu chi; các chế độ chính sách của cán bộ, giáo viên, học sinh; Công tác tuyên truyền và bảo đảm về ATGT, ANTT trường học, an toàn thực phẩm, đảm bảo an toàn trư­­­ờng học, không có hiện tượng chia bè phái mất đoàn kết trong trường; đã đề cao được ý thức của mỗi học sinh trong việc thực hiện xây dựng “Khu nội trú văn minh, thân thiện”. Chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng học sinh theo hướng “ăn ngon hơn – ngủ sâu hơn – vui chơi lành mạnh hơn”;

    Kính thưa quí vị đại biểu, kính thưa các thế hệ nhà giáo, các thế hệ học sinh.

       Nhìn lại buổi đầu trường mới thành lập, không thể kể hết những khó khăn, thiếu thốn: lớp học quá đơn sơ, cơm ăn không đủ no, áo mặc không đủ ấm, các em học sinh đến trường học không có gì ngoài manh áo cũ kỹ và vài đồ dùng cá nhân mang đến nội trú. Buổi đầu các em bỡ ngỡ không quen với sinh hoạt tập thể của nhà trường, các em thường xuyên bỏ học trở về với bản làng. Thế rồi thầy cô phải đi vận động, gọi các em trở lại trường. Việc đi lại của giáo viên đến bản làng các em vô vàn khó khăn, vì các em học sinh đa số cư trú ở các nơi xa xôi, hẻo lánh và đang theo học rải rác ở các trường trên địa bàn miền núi toàn huyện, phương tiện đi lại phục vụ cho việc vận động, tuyển sinh rất thô sơ, nhất là đến mùa mưa lũ, đường có nhiều đoạn bị sạt lở nghiêm trọng. Hình ảnh các thầy cô giáo lặn lội hơn 40 km đường rừng hiểm trở, ngã lên bổ xuống, các cô giáo tự lái xe không được phải nhờ chồng con chở đi, rồi những buổi đi bản ướt rét run cầm cập thầy cô chia nhau miếng lương khô lót dạ rồi đi tiếp. Vận động các em đến trường đã khó, nhưng giữ các em ở lại trường để học tập càng khó hơn, vì địa bàn trải dài, các em không quen xa gia đình; ngôn ngữ, phong tục tập quán cũng là những trở ngại trong việc dạy dỗ. Nhiều mùa đông gió rét, các thầy cô phải dùng áo quần cũ, báo giấy che đậy các cửa sổ để tránh rét cho các em; những đêm trực nội trú phải thức trắng suốt canh thâu khi học sinh nhảy rào đi chơi chưa về; .... Đặc biệt khi đại dịch Covid 19 bùng phát và diễn biến phức tạp chúng ta phải 04 đợt chuyển giao trường học lại cho Ban chỉ đạo, trưng dụng trường học làm khu cách ly công dân về phòng dịch, với phương châm “tạm dừng đến trường nhưng không dừng việc học” thầy và trò phải chuyển đổi linh hoạt hình thức học tập trực tiếp, trực tuyến và pho tô cấp phát tài liệu về từng gia đình, từng học sinh tại từng bản. Khi áp dụng trạng thái bình thường mới, các thầy cô trở thành cán bộ của khung cách ly, khu nội trú thì nội bất xuất, ngoại bất nhập, thầy và trò cùng chuyển đổi trạng thái dạy học linh hoạt để vừa phòng chống dịch hiệu quả vừa đảm bảo chất lượng giáo dục…. Khó khăn chồng chất khó khăn, khi các em không đủ kiên nhẫn để học cái chữ, nhiều học sinh nản chí muốn bỏ học. Tuy nhiên, với tình yêu thương học trò và trách nhiệm của người giáo viên mà các thế hệ thầy cô đã vượt qua nhiều thách thức. Bằng tình thương và trách nhiệm, đội ngũ thầy cô giáo và cán bộ công nhân viên của trường đã dần tạo được cho các em học sinh cảm giác ấm áp, xem trường là nhà, thầy cô là cha mẹ, bạn bè là anh để yên tâm học tập và sinh hoạt.

   Trải qua 30 năm hình thành và phát triển của nhà trường, thật đáng khâm phục nghị lực phi thường của các thế hệ cựu học sinh, đã bám trụ, vượt qua những gian nan, đói rét, quyết tâm học cái chữ để về xây dựng bản làng. Nhiều thế hệ học sinh đã ra trường, mỗi người sẽ chọn lối rẽ và đích đến cho riêng mình. Có người sẽ tiếp tục học lên, có người sẽ trở về bản làng lao động sản xuất và lập tổ ấm cho riêng mình.  Trên mỗi  con đường đều có thuận lợi nhưng chắc chắn không ít trở ngại, gian nan. Có người sẽ thành công và có thể có người sẽ kém may mắn. Trong số các thế hệ học sinh ấy, đã có nhiều người lớn lên, trưởng thành và nắm giữ những vị trí lãnh đạo trong các cơ quan đoàn thể các bản, các xã hoặc là Công an, bộ đội , giáo viên, y tế, kiểm lâm…Tiêu biểu như:

* Về Lãnh đạo chủ chốt các xã:

  Anh Nguyễn Văn Hùng - HUV - Bí thư đảng ủy xã Ngân Thủy; anh Hồ Văn Núi - Chủ tịch UBND xã Ngân Thủy; anh Hoàng Xao - Phó Bí thư đảng ủy xã Lâm Thủy; anh Hồ Văn Bày - Phó Chủ tịch UBND xã Lâm Thủy; anh Hồ Văn Tuyên - Phó Bí thư đảng ủy xã Kim Thủy;  anh Hoàng Văn Lình - Chủ tịch UBND xã Kim Thủy

* Về công an có anh: Hồ Văn Viên,  Nguyễn Văn Huy,  Hồ Văn Cương, Hồ Văn Thoái , Hồ Văn Công, Hồ Văn Vân …

* Về bộ độ có: Hồ Mạnh,  Hoàng Văn Khanh,  Hoàng Văn Ninh, Hồ Văn Vân

* Về  giáo viên có: Nguyễn Thị Lê , Hồ Thị Hoa, Hồ Thị Thảo ,Hồ Thị Thi ,Lê Văn Giáo, Hồ Thị Hạnh, Hồ Văn Hà, Hồ Thị Hằng, Hoàng Kim , Nguyễn Thị Hồng Hoa , Hồ Thị Phố, Hoàng Thị Tìm, Hoàng Thị Loan

* Về y tế có: Hồ Văn Hào – Bác sỹ - Trưởng trạm y tế xã Ngân Thủy, Hồ Văn Han, Hồ Văn Sanh, Nguyễn Thị Lệ Bình, Hồ Thị Phay, Hồ Văn Thành   và còn nhiều anh chị cựu học sinh khác nữa mà hôm nay đây không thể kể ra hết được.

     Để có được những thành quả đáng tự hào trên, trong 30 năm qua các thầy giáo, cô giáo đã không ngừng trăn trở đổi mới nội dung, phương pháp, nâng cao hiệu quả chất lượng giáo dục qua từng năm học. Thực hiện tốt Chỉ thị 05 của BCT về việc ”Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; cuộc vận động  “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”. Phong trào “xây dựng trường học thân thiện – học sinh tích cực”.  Lồng ghép nội dung giáo dục đạo đức, lối sống, kĩ năng sống, giá trị sống trong các chương trình môn học và hoạt động giáo dục, trải nghiệm. Qua từng năm tổ chức các hoạt động giáo dục đã xuất hiện nhiều mô hình mới, cách làm hay và nhiều nhân tố điển hình tiêu biểu.

    Kính thưa quí vị đại biểu, kính thưa các thế hệ nhà giáo, các thế hệ học sinh. 

     Trải qua những bước thăng trầm với biết bao gian nan vất vả, bằng tinh thần đoàn kết, bằng sự tận tuỵ của thầy cô giáo, cùng với sự quan tâm giúp đỡ của lãnh đạo các cấp. Trường PTDTNT Lệ Thủy đã đưa con đò “ Tâm đạo” từng bước vượt qua khó khăn và vững vàng đi lên trong suốt 30 năm qua. Lòng nhiệt huyết, yêu nghề, mến tre của những người thầy nơi đây, đã chắp cho những tâm hồn bé bỏng, trong sáng, thêm đôi cánh tri thức để các em vững bước hơn trên những nẻo đường phía trước. Chặng đường hơn 30 năm hình thành và phát triển là một quảng thời gian đủ để minh chứng cho sự thuỷ chung của mái trường, của ý Đảng- lòng dân với đồng bào dân tộc Bru Vân Kiều.

      Để ghi nhận những thành tích đã đạt được, nhà trường xin được khái quát một số thành công chủ yếu của Nhà trường trong thời gian qua.

    Thành công lớn nhất đó là hoàn thành sứ mệnh về vai trò, chức năng, nhiệm vụ của trường là nâng cao dân trí, đào tạo nguồn cán bộ cho các xã miền núi Kim – Lâm – Ngân. Hiện nay 2/3 lãnh đạo chủ chốt của các xã và ở các thôn, bản đều là cựu học sinh của trường đảm nhiệm. Ngoài ra còn nhiều cựu học sinh hiện nay là công an, bộ đội, giáo viên, y tế, kiểm lâm cùng với lãnh đạo địa phương để xây dựng quê hương, làng bản văn minh, tiến bộ.

    Thành công thứ hai là: Trường PTDT Nội trú Lệ Thủy được công nhận trường đạt chuẩn Quốc gia đầu tiên trong hệ thống giáo dục dân tộc trong toàn tỉnh. Là trường duy nhất trong toàn huyện đạt chuẩn quốc gia mức độ 2 và đạt Kiểm định chất lượng giáo dục mức độ 3. Là trường có CSVC khang trang, thân thiện trong tốp đầu toàn huyện. Đang trong quá trình xây dựng trường PTDT NT “kiểu mẫu”

   Thành công thứ ba là: Chi bộ đảng trực thuộc Huyện ủy, được công nhận “Chi bộ trong sạch vững mạnh tiêu biểu” trong nhiều năm liền và được BTV Tỉnh ủy tặng Bằng khen về việc thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; được Ban Thường vụ Huyện ủy tăng Giấy khen trong xây dựng TCCS Đảng trong sạch vững mạnh giai đoạn 2015-2019.

     Nhà trường liên tục năm năm liền được công nhận Tập thể lao động xuất sắc và được Chủ tịch UBND tỉnh tặng 3 lần danh hiệu “Lá cờ đầu cấp học trong toàn tỉnh”, được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen; được Giám đốc Công an tỉnh tặng Giấy khen trong phong trào toàn dân tham gia bảo vệ an ninh tổ quốc. 

     Công đoàn cơ sở đạt Công đoàn vững mạnh xuất sắc nhiều năm liền, được Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam tặng Bằng khen, Liên đoàn lao động Quảng Bình tặng Cờ thi đua xuất sắc; Chi đoàn - Liên đội được Trung ương đoàn tặng Bằng khen…

  Thành công thứ tư là: xóa bỏ được điểm trắng về học sinh giỏi văn hóa cấp huyện và học sinh năng khiếu cấp tỉnh trên bản đồ giáo dục Lệ Thủy đối với giáo dục dân tộc Lệ Thủy nói riêng và giáo dục dân tộc toàn tỉnh nói chung. Cùng với các trường TH&THCS bán trú ở các xã Kim - Ngân - Lâm giáo dục dân tộc đã có sự trỗi dậy mạnh mẽ, dần rút ngắn khoảng  cách với các trường trên toàn huyện.

   Thành công thứ năm là: Chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng học sinh theo hướng ăn ngon hơn – ngủ sâu hơn – vui chơi lành mạnh hơn dần được hoàn thiện cơ chế theo từng năm học và hướng đến dịch vụ chuyên nghiệp hơn;

    Thành công thứ sáu là: Hoàn thành kế hoạch 1456 của UBND huyện Lệ Thủy giao, về phối hợp với Trung tâm GD-DN huyện và Trường CĐ nghề Quảng Bình đào tạo 03 lớp THPT cho học sinh các xã Kim Thủy, Ngân Thủy, Lâm Thủy tại huyện giai đoạn 2018 – 2023 góp phần hoàn thành phổ cập giáo dục THCS mức 3 đạt  tỷ lệ 100%  theo đúng tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Bình lần thứ XVI, nhiệm kỳ và Nghị quyết  Đại hội đảng bộ huyện Lệ Thủy lần XXIII , nhiệm kỳ 2015 – 2020 đã đề ra. Đồng thời góp phần rất lớn trong việc đào tạo nguồn nhân lực là người dân tộc thiểu số có chất lượng, đáp ứng yêu cầu cho sự phát triển kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng thuộc vùng phía Tây của huyện nhà.

    Thành công thứ bảy là: Đã khẳng định được thương hiệu của đơn vị trong khối giáo dục dân tộc toàn tỉnh là “ Dạy tốt – học tốt – nuôi dưỡng tốt”. Là địa chỉ tin cậy để Lãnh đạo chính quyền địa phương và đông đảo phụ huynh gửi gắm con em mình về trường học tập.

  Thành công thứ tám là: Bảo tồn và phát triển các dự án để giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc Bru vân kiều thông qua 03 đề tài khoa học “ Bảo tồn và phát triển các làn điệu dân ca của đồng bào Bru vân kiều thông qua các nhạc cụ truyền thống”; “ Bảo tồn và phát triển nghề đan lát truyền thống của đồng bào Bru vân kiều”; “ Bảo tồn và phát triển trang phục truyền thống của đồng bào Bru vân kiều”. Đồng thời tổ chức các hoạt động truyền thông góp phần giảm thiểu vấn nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống cũng như bãi bỏ các hủ tục lạc hậu trong đời sống, sinh hoạt của học sinh dân tộc Bru vân kiều.

      Thành công thứ chín là: Dần thay đổi về tư duy, nhận thức để thay đổi về hành động và tạo động lực căn bản cho các thế hệ học sinh đã – đang và sẽ học tại trường rằng chỉ có con đường học tập mới là con đường thoát đói, giảm nghèo bền vững. Với phương châm và giá trị cốt lõi: Học để thoát nghèo bền vững - Học để chung sống và  Khát vọng vươn lên.

      Kính thưa quí vị đại biểu, kính thưa các thế hệ nhà giáo, các thế hệ học sinh.

      Bên cạnh những thành công nhất định đó, những người làm công tác dân tộc cũng còn nhiều điều trăn trở, đó là: Cơ hội học lên THPT cho con em đông bào dân tộc của ba xã miền núi sau tốt nghiệp THCS còn quá thấp, việc phân luồng, hướng nghiệp học nghề theo đề án kèm theo Kế hoạch số 1028/KH-UBND ngày 06/5/2021 của UBND huyện Lệ Thủy  còn nhiều hạn chế... Hệ quả của vấn đề này ảnh hưởng trực tiếp đến lộ trình  PCTHCS mức 3 vào những năm tới và ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nhân lực lao động,  đảm bảo an ninh quốc phòng, phát triển kinh tế xã hội cũng như chương trình xây dựng nông thôn mới cho các xã Kim – Ngân – Lâm. Khả năng tìm kiếm việc làm của con em đồng bào sau khi học tại các trường ĐH-CĐ ra trường còn là vấn đề đang bỏ ngõ. Việc tuyển dụng, sử dụng và bố trí vị trí việc làm đang là bài toán khó giải…

       Kính thưa quí vị đại biểu, kính thưa các thế hệ nhà giáo, các thế hệ học sinh.

    Để đáp ứng mục tiêu nhiệm vụ trong giai đoạn mới, phù hợp thực tiễn của đơn vị. Nhà trường tiếp tục thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ, Kế hoạch hành động của ngành Giáo dục triển khai Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI ”Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”. Triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm đảm bảo chất lượng giáo dục, lấy đổi mới phương pháp dạy học và nâng cao chất lượng đại trà làm then chốt, lấy chuyển đổi số và chất lượng mũi nhọn các hội thi làm khâu đột phá; tăng cường bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo và phát triển cơ sở vật chất, thiết bị dạy học theo hướng hiện đại. Thực hiện có hiệu quả công tác giáo dục hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau trung học cơ sở và trung học phổ thông

     Tiếp tục đẩy mạnh đổi mới cơ chế quản lý giáo dục; thực hiện quản trị trường học dân chủ, kỷ cương, nền nếp, chất lượng và hiệu quả. Chú trọng giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, giá trị sống, ý thức, trách nhiệm của công dân đối với xã hội, cộng đồng; xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện. Bảo tồn và phát triển nét bản sắc văn hóa của dân tộc Bru vân kiều. Đồng thời tổ chức các hoạt động truyền thông góp phần giảm thiểu vấn nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống cũng như bãi bỏ các hủ tục lạc hậu trong đời sống, sinh hoạt của các em học sinh. Tạo động lực căn bản cho các thế hệ học sinh đã – đang và sẽ học tại trường là chỉ có con đường học tập mới là con đường xóa đói, giảm nghèo bền vững và tiến tới xây dựng đời sống văn minh, tiến bộ.

       Kính thưa quí vị đại biểu, kính thưa các thế hệ nhà giáo, các thế hệ học sinh.

       Chúng tôi vô cùng xúc động khi được gặp lại những nhà giáo, những CBNV của nhà trường đã một thời giảng dạy và công tác dưới mái trường thân yêu này, đã gắn bó và sẻ chia những khó khăn từ những ngày đầu thành lập. Đội ngũ các nhà giáo đang giảng dạy và công tác hôm nay luôn nhớ và biết ơn những người đi trước, những người đã dành trọn cuộc đời công tác của mình hoặc một phần trong cuộc đời công tác đầy kỷ niệm đẹp cho trường PTDTNT Lệ Thủy thân yêu. Các đồng chí đã giúp đỡ, đào tạo, bồi dưỡng, truyền nghề và truyền lửa cho thế hệ sau, tiếp tục sự nghiệp trồng người tuy gian khó nhưng cũng rất đỗi vinh quang này. Những tình cảm sâu sắc và tốt đẹp ấy chính là chất keo gắn kết chúng ta những thế hệ cán bộ, giáo viên, nhân viên trường PTDTNT Lệ Thủy  trong suốt thời gian qua và mãi mãi về sau. Trong không khí đầm ấm và trang trọng này, chúng ta hãy cùng nhau giành một phút để tưởng nhớ về những đồng nghiệp đã đi xa, tuy rằng hôm nay họ không thể chia sẻ với chúng ta những niềm vui nỗi buồn nữa, nhưng chắc chắn chúng ta vẫn luôn nhớ về họ với tình cảm trân trọng và  thân yêu nhất bởi họ đã sát cánh cùng với chúng ta trong một khoảng thời gian ý nghĩa của cuộc đời tại ngôi trường thân yêu này.

       Kính thưa quí vị đại biểu, kính thưa các thế hệ nhà giáo, các thế hệ học sinh.

       Nhân dịp này, thay mặt tập thể SP nhà trường tôi xin được gửi lời cảm ơn trân trọng đến các đồng chí lãnh đạo huyện; Lãnh đạo các phòng – ban cấp huyện và Lãnh đạo Đảng ủy – UBND các xã, những người đã tạo điều kiện về chủ trương để hôm nay chúng tôi có ngôi trường ngày một đáp ứng với yêu cầu đổi mới giáo dục toàn diện. Chúng tôi xin bày tỏ lòng cảm ơn sâu sắc đến các đồng chí nguyên lãnh đạo, nguyên cán bộ giáo viên của nhà trường, những đồng chí đồng nghiệp đã một thời cống hiến tận tụy cho phong trào giáo dục của nhà trường từ những ngày đầu gian khó, để hôm nay chúng tôi có cơ hội viết tiếp truyền thống tốt đẹp 30 năm qua. Chúng tôi cũng bày tỏ lòng cảm ơn về sự ủng hộ của các thế hệ PHHS qua nhiều năm luôn sát cánh cùng nhà trường, phối hợp nhịp nhàng và hiệu quả, tạo điều kiện cho những thế hệ con em chúng ta có điều kiện tốt nhất để học tập. Chúng tôi cũng gửi lời cảm ơn đến các đ/c đồng nghiệp trong khối và trên địa bàn đã phối hợp cùng chúng tôi hoàn thành tốt nhiệm vụ mà ngành và địa phương giao phó. Cũng nhân dịp này thay mặt TTSP nhà trường xin cảm ơn các nhà tài trợ, các mạnh thường quân đã ủng hộ và giúp đỡ để CSVC của nhà trường ngày một hoàn thiện hơn, phục vụ tốt cho công tác dạy và học của thầy và trò nhà trường. Chúng tôi vô cùng biết ơn và cảm động trước sự quan tâm giúp đỡ, sự ủng hộ và đồng hành, sự chỉ đạo và chia sẻ của các quý vị trong 30 năm hình thành và phát triển của trường, hy vọng những năm tiếp theo chúng tôi sẽ nhận được nhiều hơn nữa sự quan tâm của các quý vị.

       Kính thưa quí vị đại biểu, kính thưa các thế hệ nhà giáo, các thế hệ học sinh.

      Chúng tôi rất mong các đồng chí nguyên là cán bộ lãnh đạo, giáo viên, nhân viên và các thế hệ học sinh của trường tại buổi gặp này, sẽ có thêm những dấu ấn, những niềm vui và kỷ niệm đẹp về ngôi trường mình đã từng gắn bó, sẽ có những góp ý kịp thời và hiệu quả đối với lãnh đạo nhà trường để sự nghiệp giáo dục của trường chúng ta tiếp tục phát triển và thành công. Quyết tâm xây dựng trường PTDTNT huyện Lệ Thủy thành “trường PTDTNT kiểu mẫu”, xứng đáng là “nơi ươm những mầm xanh” cho con em đồng bào dân tộc Bru Vân kiều vùng phía tây của huyện nhà.

     Một lần nữa xin kính chúc quý vị đại biểu, các thế hệ nhà giáo, các thế hệ học sinh, các đ/c CBNV của đại gia đình PTDTNT Lệ Thủy  luôn mạnh khoẻ, hạnh phúc và thành đạt. Chúc cho buổi gặp mặt nhân kỷ niệm 30 năm thành lập trường, 40 năm ngày nhà giáo Việt Nam 20/11, để lại nhiều kỷ niệm tốt đẹp trong ký ức của quý vị.

           Xin trân trọng cảm ơn!

 

                                                                                       HIỆU TRƯỞNG

 

 

 

                                                                                           Lê Văn Bình

Lê Thanh Bình
TÌM KIẾM


Hỗ trợ trực tuyến
™Lê Văn Bình™
™Lê Văn Bình™
Hiệu trưởng - 0888539577
Hà Văn Đông
Hà Văn Đông
P. Hiệu trưởng - 0913690289
Lê Duy Lộc
Lê Duy Lộc
P. Hiệu trưởng - 0914749929
ĐĂNG NHẬP

Tên đăng nhập
Mật khẩu
HÌNH ẢNH
LIÊN KẾT WEBSITE


TRƯỜNG PHỔ THÔNG DÂN TỘC NỘI TRÚ - HUYỆN LỆ THỦY - TỈNH QUẢNG BÌNH
Điện thoại: 0232.3962810 - Email: ptdtnoitru@lethuy.edu.vn
Developed by Phạm Xuân Cường. Tel: 0912.037911 - Mail: cuonggiaoduc@gmail.com